Phú Thọ –Đang gặt lúa giữa trời nắng gắt, người đàn ông, 41 tuổi, đột nhiên ngất, co giật giữa cánh đồng, được mọi người đưa vào nơi thoáng mát rồi gọi cấp cứu 115.
Ngày 23/5, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thông tin bệnh nhân được xử trí ban đầu kịp thời và đưa về bệnh viện truyền dịch, bù nước.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị say nắng, tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động các cơ quan thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Sau hơn một giờ theo dõi tích cực, bệnh nhân đã ổn định, ra viện.
Say nắng thường xảy ra vào giữa trưa khi trời nắng nóng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại, kết hợp với tình trạng làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém.
Các dấu hiệu nhẹ của say nắng là nhịp tim, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Biểu hiện nặng là tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Trường hợp co giật như người đàn ông trên là hiếm gặp.
Bác sĩ khuyến cáo người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian lao động vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên ở trong tiết trời nóng bức quá lâu, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Định kỳ sau khoảng 45 phút đến một giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong 15-20 phút.
Khi có người say nắng, say nóng, bình tĩnh sơ cứu ngay bằng cách đặt nạn nhân ở nơi thoáng mát, nằm ngửa, gác chân cao, không cho nhiều người vây quanh. Nạn nhân uống được nước thì cho uống từng ngụm nhỏ, xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.
Thúy Quỳnh