Phú Thọ –Người đàn ông 67 tuổi, đái tháo đường 10 năm song không đi khám thường xuyên mà tự mua thuốc uống, gần đây mệt mỏi, khát nước, nước tiểu ít.
Ông được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng co giật toàn thân liên tục, mất ý thức, hôm 29/10. Các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ -, tiêm thuốc kiểm soát cơn co giật cho bệnh nhân. Qua cơn nguy kịch, bệnh nhân tỉnh song nói ngọng, liệt dây thần kinh số 7, yếu chân phải, chụp sọ não phát hiện có tổn thương não.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng tăng đường máu dẫn đến suy thận cấp, tổn thương não, co giật. Bệnh nhân được đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch và điện giải kết hợp điều chỉnh insulin.
Đến ngày 15/11, bệnh nhân vẫn nói ngọng nhẹ song tình trạng liệt mặt, yếu chân giảm dần, không còn bị co giật.
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2021 công bố toàn cầu có 53 triệu người mắc bệnh này, tỷ lệ cứ 10 người độ tuổi 20-79 thì có một người mắc. Trong số này, 50% số người trưởng thành bị đái tháo đường mà không được chẩn đoán.
Mối nguy hiểm ở bệnh đái tháo đường là biến chứng. Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 55% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng, trong đó 34% bị biến chứng tim mạch, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận.
Bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết. Trường hợp bị tăng đường máu có thể ảnh hưởng đến não dẫn đến hôn mê, co giật, hôn mê… Nhiều bệnh nhân hạ đường huyết còn hoa mắt, chóng mặt, khó tập trung, thậm chí tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, đúng giờ, kết hợp tập luyện; không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích. Bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, không tự ý dùng hoặc chung đơn thuốc với người khác. Những người có yếu tố nguy cơ cần khám và xét nghiệm đường huyết ít nhất một lần/năm. Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc tự kê đơn thuốc.
Minh An