Phú Thọ –Người đàn ông 44 tuổi nhập viện đa khoa Phú Thọ – trong tình trạng sưng nề vùng cổ chân lan rộng đến bàn chân, cẳng chân, đùi phải, có nốt nanh độc.
Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị rắn lục cắn, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Bác sĩ truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc đặc hiệu kháng nọc rắn lục tre. Sau 6 giờ, bệnh nhân đỡ sưng nề tại chỗ rắn cắn, hết chảy máu, xét nghiệm tiểu cầu, đông máu cải thiện và ổn định.
Bác sĩ Hà Thế Linh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ -, ngày 29/11 cho biết trước đây bệnh nhân bị rắn hổ mang và rắn lục cắn thường phải chuyển về Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vì không có huyết thanh kháng nọc rắn. “Đây là trường hợp rắn lục cắn được dùng huyết thanh kháng nọc đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ – có kết quả điều trị tốt”, bác sĩ nói.
Hiện tại, bệnh viện đã có một số loại huyết thanh kháng nọc cho một số loại rắn như rắn lục, rắn hổ mang…
Theo các chuyên gia, huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu cho từng loại rắn giúp cải thiện điều trị rất rõ rệt. Chẳng hạn, một người bị rắn cạp nong, cạp nia cắn gây liệt cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp, điều trị huyết thanh kháng nọc sớm thì khoảng 5 ngày có thể trở về cuộc sống bình thường, không có biến chứng. Ngược lại, nếu không có huyết thanh kháng nọc, bệnh nhân phải thở máy, ít nhất khoảng 2-3 tuần cơ thể mới đào thải được chất độc. Trong thời gian đó, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng nhiễm trùng, biến chứng do thở máy, nằm viện lâu, chi phí nhiều…
Ngoài ra, huyết thanh kháng nọc giúp trung hòa được ngay độc tố của nọc rắn, ngăn dẫn đến tàn phá các cơ quan trong cơ thể. Tùy lượng nọc độc vào cơ thể, sự tàn phá sẽ khác nhau. Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ, không có huyết thanh kháng nọc khống chế nọc độc phát tán, những tổn thương dễ lan rộng, suy đa tạng phủ, thời gian điều trị kéo dài, dễ biến chứng nặng nề.
Bác sĩ Linh khuyến cáo người dân khi bị rắn cắn phải khẩn trương sơ cứu và nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cách sơ cứu đúng là đưa nạn nhân rời khỏi hiện trường an toàn, phải hạn chế vận động. Rửa, băng ép và nẹp cố định vùng chi bị rắn cắn nhằm hạn chế hấp thu nọc độc qua đường bạch huyết. Sau đó, vào bệnh viện ngay hoặc gọi cấp cứu 115, truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn nếu có chỉ định.
Sai lầm rất phổ biến trong sơ cứu rắn cắn là rạch, hút nọc độc, buộc garo, bôi các chất lạ vào vết thương. Sơ cứu không đúng sẽ gây hại thêm, khiến nạn nhân bị nhiễm trùng, nhiều trường hợp phải đoạn chi, thậm chí tử vong. Tuyệt đối không tự chữa mẹo, đắp các loại lá thuốc làm chậm trễ điều trị và nguy hiểm đến tính mạng.
Thùy An