Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 tỉnh Phú Thọ
Cũng tay trắng trồng rừng như bao người khác, nhưng với suy nghĩ cây keo càng to thì càng có giá trị, đã làm đủ nghề mưu sinh để nuôi rừng keo gỗ lớn. Khi cây rừng phát triển được khoảng trên 10 năm thì ông Thuận mới gọi bán và lúc này mỗi héc – ta rừng gỗ lớn của ông thu về trên 200 triệu đồng/ha
Những năm 1999, lúc đấy chỉ mới 27 tuổi thì ông Thuận bắt đầu khởi nghiệp từ trồng sắn. Sau vài năm trồng và bán sắn tươi thì ông nhận thấy việc người nông dân trồng sắn bán tươi luôn bị ép giá do sắn gần như thu hoạch cùng 1 lúc nên sản lượng khá lớn, như thế những thương nhân về thu mua sẽ ép giá.
Sau nhiều đêm suy nghĩ ông đã mạnh dạn đầu tư một xưởng chế biến tinh bột sắn. Lúc này bà con trong vùng đã được ông thu mua giá sắn cao hơn nên rất vui mình, còn về phần mình thì ông đã thu mua lại và sản xuất ra tinh bột để bán quanh năm. Ông đã chủ động được đầu ra cũng như giá thành cho củ sắn quê hương.
Dù đang phát triển tốt nhờ cây sắn nhưng trong thâm tâm ông luôn đau đáu vì thấy đất rừng bị bỏ hoang quá nhiều, mà không ai muốn phát triển kinh tế từ rừng. Thế nên đến năm 2003 ông đã quyết định bỏ lại tất cả để lên rừng phát triển kinh tế.
Đầu tiên ông mua 1 lô đất rừng rộng 42ha khoảng 31 triệu, trong đấy có 36 con bò còn rừng thì gần như là rừng trọc không có giá trị. Để thực hiện ước mơ làm giàu từ rừng, ngày ngày ông đùm cơm gạo, cũng như cõng trên lưng từng cây giống với quãng đường hơn 3km lên rừng phát cỏ trồng rừng, cứ thế sau 5 năm ông đã phủ gần hết 30ha rừng của mình.
Để có tiền nuôi con cái học hành và nuôi rừng ông đã nuôi một đàn bò, từ 36 con ban đầu ông đã phát triển lên được đàn bò gần 100 con sau chỉ gần 2 năm. Mỗi 1 năm bán bò lại lấy tiền để thuê nhân công phát rừng trồng cây.
Nhớ lại những ngày đầu lên rừng 1 mình vác bộ từng cây giống lên để trồng, ông Thuận bùi ngùi kể: “Lúc mới vào đường không có, tiền cũng ít nên mỗi ngày tôi đều đi bộ từ nhà 4h sáng vác từng cây giống vào rừng để trồng, vừa đi vừa kết hợp mở rộng đường để có thể đi xe máy vào “.
Kể về quá trình thành công của mình, ông Thuận nói: “Năm đầu tiên tôi trồng bạch đàn, nhưng do đất không phù hợp nên hỏng gần như hết. Sau 1 năm thấy không ổn định tôi đã phải xóa bỏ để trồng mới cây keo. Lúc đầu gia đình cũng ngăn cản vì suốt ngày bản thân trong rừng, không chăm lo được việc gia đình, mà càng trồng càng lỗ nhưng bản thân tôi cũng tin tưởng vào rừng nên quyết tâm phải làm bằng được”.
Lúc quay lại trồng keo thì cây phát triển tốt, ông lại kết hợp nuôi lợn bản. Từ việc lấy ngắn nuôi dài ông đã phát triển được rừng.
Ông Thuận chia sẻ thêm: Chiến lược trồng rừng của tôi được thực hiện gối vụ và kết hợp nuôi lợn, bò… để lấy ngắn nuôi dài. Thời gian rảnh tôi vẫn duy trì thu mua rừng trồng để kiếm thêm tiền đầu tư mua đất. Đến nay tôi sở hữu hơn 200 ha rừng và đàn bò khoảng 200 con.
Ngay việc trồng rừng keo lâu năm ông cũng luôn có suy nghĩ khác nhiều người, bình thường mọi người sẽ trồng 5,6 năm là cho thu hoạch nhưng với bản thân ông thì ông lại trồng từ 10-12 năm mới thu hoạch.
Ông Thuận nêu quan điểm: Nếu trồng rừng gỗ nhỏ thì chỉ dùng làm gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy. Giá bán mỗi mét khối được trên dưới một triệu đồng mà cứ hết 5 hoặc 6 năm là phải dốc vốn liếng để đầu tư cho chu kỳ mới.
Trong khi đó, trồng cây gỗ lớn để lấy gỗ xẻ phục vụ chế biến thì mình nuôi càng lâu, đường kính thân cây càng lớn càng được giá, bởi từ năm thứ 5 và năm thứ 8, cây rừng có sự sinh trưởng, phát triển mạnh. Hiện tại, cây có đường kính từ 25 – 30 cm bán được từ 2,3 – 2,5 triệu đồng/m khối gỗ, chưa kể chỉ đầu tư vốn, giống để trồng một lần nên giá trị kinh tế vừa cao hơn vừa góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường.
Bình quân, mỗi năm mô hình kinh tế trang trại ông Thuận trừ chi phí cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng; riêng năm 2021 đạt hơn 4 tỷ đồng từ khai thác gỗ rừng và bò thịt, bò giống.
Trong quá trình phát triển sản xuất, mô hình trang trại của ông Thuận đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ; thường xuyên 10 lao động với mức thu nhập từ 7-7,5 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, tích cực ủng hộ hỗ trợ các hộ nghèo ở địa phương như xóa nhà tạm, đóng góp kinh phí hỗ trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, các hoạt động xã hội khác. Với những nỗ lực cố gắng của bản thân và gia đình, ông Thuận được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011-2014”; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016” và mới đây ông được Hội đồng Chung khảo Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.