Tân Sơn là huyện miền núi, nhiều thành phần dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém là những yếu tố gây khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ là hướng đi của Tân Sơn nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
– Cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm tổng hợp ở xã Minh Đài, huyện Tân Sơn.
Để khắc phục khó khăn, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về vai trò, ý nghĩa và hiệu quả của việc xây dựng NTM; hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí gắn với thực tiễn cuộc sốngtheo phương châm. tiêu chí nào dễ cần ít kinh phí làm trước, tiêu chí nào khó, tốn nhiều công sức và vốn đầu tư làm sau. Trong quá trình thực hiện, các xã kiên trì, không nóng vội, đầu tư dàn trải dẫn đến hiệu quả kém.
Minh Đài là xã đầu tiên được huyện lựa chọn làm điểm xây dựng NTM, khi mới bắt tay vào thực hiện, xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của cả tập thể, đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí và đang trong giai đoạn thẩm định chờ công nhận xã đạt chuẩn NTM. Để có được thành công đó, ông Nguyễn Minh Khái – Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Ngay từ khi thực hiện xây dựng NTM, chúng tôi đã họp, thảo luận và phân loại các tiêu chí. Tiêu chí nào dễ làm trước để tạo động lực cho những tiêu chí khó, đồng thời, thực hiện lồng ghép nhiều tiêu chí trong cùng một thời gian thực hiện. Theo kế hoạch đề ra, mỗi năm xã sẽ phấn đấu đạt từ 2 – 3 tiêu chí nhưng nhiều tiêu chí khó, phải mất thời gian dài mới hoàn thành được như giao thông, thu nhập, môi trường…”.
Thu nhập là một trong những tiêu chí được đánh giá là khó thực hiện ở các xã vùng cao bởi người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm sản xuất truyền thống, ít chú trọng đến chất lượng đầu vào nên chưa phát huy được hiệu quả kinh tế. Nắm được những tồn tại đó, xã Minh Đài đã lựa những cách làm cụ thể, phù hợp với thực tế ở địa phương để thay đổi cách làm kinh tế, “biến” vùng quê nghèo, yên bình, quanh năm gắn bó với cây lúa, cây chè nay thành những khu dân cư náo nhiệt, sôi động.
Toàn xã hiện có 2 công ty, 1 doanh nghiệp chế biến chè và trên 250 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng. Hiệu quả từ việc đưa các giống cây, con mới vào sản xuất như: Chè Bát Tiên, chè San Tuyết, bưởi Diễn, bưởi Da xanh, bò lai sind, gà nhiều cựa đã dần được khẳng định. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng nhanh từ năm 2011 là 9,1 triệu đồng/người đến năm 2018 ước đạt 31,8 triệu đồng/người.
Đổi thay từ NTM ở xã Minh Đài đã tạo động lực để các xã trên địa bàn huyện tiếp tục phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thiện các tiêu chí trên nhiều phương diện. Hệ thống đường giao thông nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng, trong đó, đường trục xã, liên xã đã cứng hóa được trên 90%; đường thôn, xóm cứng hóa trên 55%. Hiện, huyện có 2 xã, 89 khu dân cư đạt tiêu chí giao thông.
Cùng với thực hiện tiêu chí giao thông, các tiêu chí về điện, trường học, y tế…cũng được chú trọng. Đến nay, toàn huyện có 15 xã và 158 khu dân cư đạt tiêu chí số 4 về điện, số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ nguồn điện lưới quốc gia đạt trên 95%; 7 xã đạt tiêu chí trường học, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 86,8%; 11 xã và 167 khu dân cư đạt tiêu chí y tế…
Ông Phan Minh Đức – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, quy mô lớn nhằm thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển và thực hiện những tiêu chí khó…
Nguồn: baophutho.vn