Xã Dân Quyền tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tiêu chí giao thông, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Về Vạn Xuân lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê trước đây còn nhiều khó khăn. Những con đường nhỏ hẹp, mấp mô, chưa nắng đã bụi, chưa mưa đã lầy, giờ được trải nhựa, thảm bê tông rộng rãi, thông thoáng. Niềm vui, phấn khởi xen lẫn tự hào luôn hiện hữu trong từng ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây, tô điểm thêm cho toàn cảnh bức tranh NTM.
Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định giao thông nông thôn có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội ở địa phương, xã chọn tiêu chí GTNT là một trong những khâu đột phá trong xây dựng NTM. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “lấy người dân tuyên truyền vận động người dân” và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xã đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng NTM. Vì vậy, đường làm đến đâu, nhân dân hiến đất, hiến công, đóng góp tiền của đến đó. Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT trên địa bàn xã đạt trên 70%.
Với đặc thù là đầu mối giao thông vận tải quan trọng tạo sự liên kết giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc nên trong quá trình thực hiện tiêu chí về phát triển giao thông nông thôn, huyện Tam Nông vừa có những thuận lợi nhưng lại cũng gặp không ít khó khăn, như hệ thống giao thông kiên cố vẫn chưa được phủ kín nhất là ở khu vực nông thôn thưa dân cư; tiêu chuẩn kỹ thuật của một số tuyến đường còn thấp; nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông còn hạn hẹp. Vì thế, thời gian qua, huyện đã chủ động tìm ra hướng đi riêng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Với việc xác định hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí giao thông. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đều tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa của việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, từ đó nâng cao tinh thần tham gia ủng hộ, đóng góp.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phong trào làm đường giao thông nông thôn của các xã trên địa bàn huyện đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng dân cư, trở thành phong trào thi đua sôi nổi. Nhân dân địa phương đã tự nguyện hiến đất làm đường, tích cực đóng góp kinh phí, vật tư, ngày công để nâng cấp, mở rộng và cứng hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn, nội đồng.
Nhờ sự tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương và nhân dân toàn huyện, đến nay, Tam Nông đã xây dựng được nhiều con đường bê tông khang trang sạch đẹp nối liền các xã, khu dân cư, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Các tuyến đường huyện, đường xã, đường thôn xóm, ngõ xóm được đầu tư nâng cấp, cứng hóa.
Theo báo cáo của UBND huyện Tam Nông, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã thực hiện đầu tư, nâng cấp đưa vào khai thác sử dụng với tổng chiều dài 134,93km các tuyến đường huyện và đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng kinh phí thực hiện trên 440,9 tỷ đồng.
Đến nay, 66,6km đường huyện đã cứng hoá 100%; đường trục xã đã cứng hóa được 57,55km, đạt tỷ lệ 93,73%; đường trục thôn xóm đã cứng hoá được 202,69km, đạt tỷ lệ 82,55%; đường ngõ xóm đã cứng hóa 175,57km, đạt tỷ lệ 79,83%; đường trục chính nội đồng tỷ lệ cứng hoá đạt 32,58%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ cứng hoá đường giao thông toàn huyện đạt 73,98%.
Hiệu quả đạt được trong phát triển giao thông nông thôn ở Tam Nông cho thấy sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm hướng đến xây dựng diện mạo mới cho địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững.
Anh Thơ (Nguồn: baophutho.vn)