Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hạ Hòa đã tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của huyện.
Trong những năm qua, Hạ Hòa đã khuyến khích đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả cho bà con nông dân.
Lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện phát triển tương đối ổn định với diện tích gieo trồng bình quân khoảng 12 nghìn ha/năm; trong đó diện tích cây lúa bình quân 7.400ha/năm, năng suất lúa trung bình đạt 55 tạ/ha; diện tích ngô bình quân trên: 1.100ha/năm, năng suất bình quân 46,1 tạ/ha Bình quân sản lượng lương thực có hạt giai đoạn 2016-2020 đạt 45.264 ngàn tấn/năm, bằng 110,4% so với mục tiêu đề ra. Cơ cấu giống có sự thay đổi lớn, diện tích lúa lai tăng lên chiếm 45-50% diện tích trồng lúa, diện tích ngô lai đạt 90-95% tổng diện tích ngô toàn huyện. Năng suất, sản lượng các cây màu khác như đậu tương, lạc, rau, khoai lang đều đạt và tăng so với kế hoạch, cùng kỳ hàng năm, làm tăng giá trị sản xuất trên 1ha năm 2019 đạt 91 triệu đồng…
Bên cạnh cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm như cây công nghiệp, cây ăn quả cũng được phát triển mạnh trong năm qua. Tổng diện tích chè của toàn huyện đến hết năm 2019 là 1.930ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm 1.915ha, sản lượng 23.385 tấn. Hàng năm, trồng mới, trồng lại diện tích chè cằn xấu, già cỗi, năng suất thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; sản xuất chè đen, chè xanh theo hướng sản xuất chè an toàn để vừa tăng năng suất vừa nâng cao chất lượng chè; xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Yên Kỳ” làm cơ sở giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chè cho nông dân trên địa bàn huyện. Đối với cây ăn quả, huyện đã xây dựng kế hoạch tập trung phát triển các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Cam V2, cam CT 36, thanh long ruột đỏ, bưởi diễn, bưởi da xanh, dứa, mít… tại một số xã như: Phụ Khánh, Y Sơn, Xuân Áng, Hà Lương, Yên Kỳ, Hương Xạ, Phương Viên, Gia Điền… Đến nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện là 950ha; trong đó diện tích cây ăn quả chất lượng cao 485ha, tạo nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cho người.
Xây dựng thành công thương hiệu chè xanh Yên Kỳ, tạo điều kiện cho các vùng chè Hạ Hòa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị là một trong những thế mạnh của nông nghiệp huyện Hạ Hòa.
Lĩnh vực chăn nuôi được xác định là một trong 2 khâu đột phá của huyện giai đoạn 2016-2020, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi mạnh từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, kỹ thuật truyền thống sang quy mô hợp tác xã, trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đưa các giống bò, lợn, gia cầm lai, chất lượng cao vào sản xuất. Tổng đàn bò thịt của Hạ Hòa đạt trên 5,5 nghìn con, trong đó tỷ lệ giống lai chiếm trên 87% tổng đàn; tổng đàn trâu có khoảng 4,8 nghìn con; tổng đàn gia cầm hiện có khoảng 1,4 triệu con; riêng đàn lợn do bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 nên tổng đàn bị giảm, đến nay chỉ còn trên 65 nghìn con…
Thủy sản là một lợi thế của Hạ Hòa do trên địa bàn huyện có diện tích mặt nước lớn có thể khai thác. Tổng diện tích nuôi thủy sản của Hạ Hòa hiện là 1.922ha, trong đó 850ha nuôi thâm canh, tỷ lệ con giống có chất lượng cao chiếm khoảng 60%. Huyện khuyến khích các hộ nuôi thủy sản theo hình thức thả thâm canh, bán thâm canh trên diện tích mặt nước vừa và nhỏ bằng các giống thủy sản có năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường như các loại cá: Diêu hồng, chép lai 3 máu, rô phi đơn tính; cá lăng, cá tầm… Nuôi cá lồng trên diện tích mặt nước lớn, khai thác các hồ chứa thủy lợi theo hướng đa mục tiêu đang từng bước được khôi phục. Hình thức nuôi thả giải vụ, vượt đông, xen ghép; thu hoạch theo hình thức “đánh tỉa, thả bù” được thực hiện tích cực nên đã khai thác được nhiều tháng trong năm, thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; đồng thời xử lý tốt nguồn nước để không gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Trong những năm tới đây, Hạ Hòa, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, an toàn sinh học nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi mục tiêu từ sản lượng sang giá trị gia tăng và thay đổi cách thức sản xuất từ sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần.
Quân Lâm