Nền tảng phát triển du lịch nông thôn
Phú Thọ là vùng đất cội nguồn dân tộc, hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước.
Trong 967 di tích lịch sử – văn hóa, phải kể đến Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích quốc gia, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan Hát Xoan; các di tích khảo cổ thời tiền sử và sơ sử như Làng Cả, Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun…
Về di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, phải kể đến hệ thống lễ hội truyền thống đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh của dân tộc Việt như: Lễ hội đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã.
Đặc biệt, Phú Thọ có đến ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Ca Trù của người Việt.
Cùng với đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án phát triển TP.Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Đây là những nền tảng quan trọng để du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng của Phú Thọ “cất cánh”.
Trong những năm qua, song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng du lịch, Phú Thọ cũng quan tâm chú trọng công tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng có thế mạnh.
Nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái địa phương. Các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
Theo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ, trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động du lịch đã phục hồi trở lại và tập trung vào loại hình du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm cộng đồng, du lịch nông thôn, nông nghiệp.
Chỉ tính riêng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ đón khoảng một triệu lượt khách về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Bên cạnh đó, các địa điểm du lịch trải nghiệm hát Xoan làng cổ tại đình An Thái, đình Hùng Lô; du lịch sinh thái cộng đồng như thăm đồi chè Long Cốc, vườn quốc gia Xuân Sơn đều duy trì lượng khách ổn định…
Lượng khách lưu trú lại Phú Thọ cũng tăng cao, trong đó, có những thời điểm lượng khách sử dụng buồng phòng ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay đạt gần 100%.
Sản phẩm OCOP góp phần phát triển du lịch nông thôn
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, dù ở giai đoạn đầu hình thành nhưng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, du lịch nông nghiệp đang thu hút sự quan tâm của các du khách trong nước và quốc tế khi đến tỉnh.
Hiện nay, Trung tâm đang triển khai các tour đưa khách du lịch, đặc biệt là các du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề nông nghiệp như: Làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy, bún miến ở Hùng Lô; làng nghề rau an toàn Tân Đức, Tứ Xã (TP.Việt Trì); làng nghề nón lá Gia Thanh (huyện Phù Ninh)…
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm vườn bưởi Đoan Hùng; tham quan chu trình sản xuất các sản phẩm từ cây bưởi như: Làm tinh dầu bưởi, mứt bưởi…
Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Phú Thọ cũng đang tích cực tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh, xây dựng sản phẩm tour du lịch “Về miền Đất Tổ” mang những nét đặc trưng của Phú Thọ. Đồng thời quảng bá, giới thiệu, đưa các sản phẩm OCOP Phú Thọ trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho du khách khi đến với Phú Thọ, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Một số sản phẩm OCOP Phú Thọ tiêu biểu được đông đảo khách hàng yêu thích như: Trà Phú Thọ, bánh chưng – bánh giầy Đất Tổ, bưởi Đoan Hùng, mì gạo Hùng Lô, thịt chua Thanh Sơn, cá thính Phù Ninh,… Các sản phẩm này không chỉ được bán tại cơ sở sản xuất mà còn được bán ở siêu thị du lịch OCOP Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chị Ngô Thị Tuyết Anh (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, Phú Thọ có nhiều điểm du lịch nông thôn, nông nghiệp thú vị, độc đáo. Điển hình như mô hình vườn nho tại huyện Lâm Thao mang đến cho du khách tham quan trải nghiệm rất mới mẻ, ấn tượng và thích thú.
Chị Tuyết Anh cũng đánh giá, dù là điểm du lịch nằm xa trung tâm TP.Việt Trì, nhưng vườn nho huyện Lâm Thao có một ý nghĩa quan trọng về việc kết nối các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như Đền Hùng, Hùng Lô, nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn Quốc gia Xuân Sơn thành một chuỗi.
“Quan trọng nhất, những người tham quan như chúng tôi được trực tiếp tai nghe, mắt thấy, tay sờ các sản phẩm nông thôn, nông nghiệp, thậm chí được trải nghiệm ‘làm nghề’. Điều đó khiến chúng tôi rất tin tưởng, yên tâm về điểm du lịch gắn với sản phẩm nông thôn, nông nghiệp,” chị Tuyết Anh cho hay.
Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp Phú Thọ vẫn còn khá mới mẻ, nên người làm nông nghiệp vẫn chưa hiểu về các nhu cầu, dịch vụ du lịch. Thời gian tới, cần có phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân hiểu về việc lồng ghép giữa nông nghiệp và du lịch, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch đáp ứng những yêu cầu của du khách.
Đồng thời cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành đặc biệt là sự đồng hành của các doanh nghiệp, công ty du lịch và sự chủ động của người dân để phát triển du lịch nông thôn, đem đến làn gió mới cùng những triển vọng về phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, 48 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 30 sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy khẳng định, việc lồng ghép giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với tour du lịch, các không gian trưng bày, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của tỉnh.
Đây cũng là hướng đi mới, hiệu quả mà ngành Văn hóa đang triển khai thực hiện. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú, tạo làn gió mới, nâng tầm cho du lịch Phú Thọ, đặc biệt là du lịch nông thôn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025