Hiệu quả từ liên kết trồng ngô sinh khối
Thời gian qua, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp người dân mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối theo hình thức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp.
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết, thu mua sản phẩm ngô sinh khối ở các địa phương tại Phú Thọ như: Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hương Hà (tỉnh Tuyên Quang)…
Với đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định, nên các HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ yên tâm mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối.
Thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ, năm 2020, diện tích trồng ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh đạt 500ha, đến năm 2021 đã mở rộng diện tích trên 800ha. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Thanh Thủy với 320ha, huyện Hạ Hòa với 210ha…
Ông Lê Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian trồng ngô sinh khối ngắn, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, đã giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.
Những năm gần đây, mô hình liên kết trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi gia súc đã trở thành hướng đi mới, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác ở nhiều địa phương tỉnh Phú Thọ.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Minh Anh (xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), hiện trang trại bò 3B của công ty có 200 bò nái và gần 300 bò thịt. Để đảm bảo nguồn thức ăn nguyên liệu, công ty đã liên kết với với 7 hộ dân tại địa phương để trồng ngô sinh khối.
“Việc liên kết bao tiêu đầu ra ngô sinh khối đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu thức ăn đàn gia súc chăn nuôi cho doanh nghiệp”, ông Minh nói.
Trồng ngô sinh khối một năm ba vụ, nông dân đem tiền về nhà nhiều hơn
Theo tính toán, 1ha ngô sinh khối sẽ thu hoạch lấy thân, lá trong khoảng thời gian 75-80 ngày, năng suất 45-50 tấn/ha/vụ, giá bán khoảng 800.000 đồng/tấn.
Người trồng ngô sinh khối sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi 15-20 triệu đồng/ha/vụ. So với sản xuất ngô hạt truyền thống, nông dân trồng ngô sinh khối cho tổng thu cao hơn 12 triệu đồng/ha.
Về sinh trưởng, phát triển, ngô sinh khối trồng được 3 vụ/năm. Do đó, nông dân nhanh chóng có thu hoạch, tạo động lực lớn để cải tạo, gia tăng diện tích trồng ngô sinh khối.
Vụ xuân năm 2022, HTX Nông nghiệp Lâm Thao (xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) liên kết với Công ty Greenlife Việt Nam sản xuất ngô sinh khối với quy mô 7ha.
Theo đó, Công ty Greenlife Việt Nam thu mua toàn bộ sản lượng ngô sinh khối của HTX với giá 1,2 triệu đồng/tấn, ủ chua làm thức ăn chăn nuôi, đóng bánh, đóng gói và xuất khẩu 100% sang Nhật Bản…
Ông Nguyễn Tiến Lương, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm Thao cho biết, 7ha ngô sinh khối đã cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 55 tấn/ha. Để đảm bảo kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đang tiếp tục thực hiện liên kết với bà con nông dân các xã trên địa bàn toàn huyện Lâm Thao để mở rộng diện tích và bao tiêu toàn bộ sản lượng ngô sinh khối trồng ra.
Chị Bùi Thị Thanh, thành viên HTX Nông nghiệp Lâm Thao chia sẻ, trồng ngô sinh khối dễ trồng, dễ chăm sóc, mật độ cây mau hơn, tỷ lệ mắc sâu bệnh cũng ít hơn so với cây ngô thường lấy hạt.
“Điều chúng tôi yên tâm, phấn khởi nhất là toàn bộ ngô trồng ra được HTX bao tiêu, giá cả luôn ổn định, nên hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình cải thiện rõ rệt. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ cải tạo diện tích đất trồng lúa để chuyển sang trồng ngô sinh khối”, chị Thanh hồ hởi nói.
Theo ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ, kế hoạch vụ Đông năm 2022, Phú Thọ phát triển sản xuất cây ngô sinh khối với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Cụ thể, mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối toàn tỉnh đạt trên 1.400ha, năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha, sản lượng đạt trên 70.000 tấn, giá trị thu nhập ước đạt trên 56 tỷ đồng.
“Tổ chức hội nghị kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ ngô sinh khối để người sản xuất, HTX, doanh nghiệp thống nhất về cơ chế hợp tác, liên kết (cung ứng giống, vật tư phân bón, cơ chế thu mua, chất lượng sản phẩm, giá cả, hình thức thanh toán….).
Từ đó có kế hoạch cụ thể tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm ngô sinh khối đảm bảo đồng bộ, hài hòa lợi ích, duy trì các liên kết bền vững”, ông Đạo nhấn mạnh.